Hội thảo “Đánh giá về hiệu quả của các mô hình trồng hành tím thương phẩm theo hướng hữu cơ, hành tím đạt tiêu chuẩn VietGAP thực hiện theo chuỗi giá trị, triển khai trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu”
Hội thảo với sự
tham dự của các công chức, viên chức, nhân viên đang công tác tại UBND thị xã
Vĩnh Châu, Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở
Công Thương, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Rau quả - Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và nông dân sản
xuất hành tím.
Hành tím được xem là cây rau màu truyền thống, là một trong những
sản phẩm đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, có đóng góp quan trọng trong cơ cấu cây trồng,
cơ cấu kinh tế của tỉnh Sóc Trăng. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo
vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, năm 2019 diện tích sản xuất hành tím của tỉnh đạt khoảng
6.500 ha, tập trung chủ yếu ở thị xã Vĩnh Châu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được xem video về hiệu quả của các mô hình sản xuất hành tím an toàn được triển khai trên địa bàn
thị xã Vĩnh Châu và nghe đại
diện các
cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp thông tin về kết quả thực hiện
các mô hình sản xuất hành tím an toàn, theo hướng hữu cơ, sinh học và đạt chứng
nhận VietGAP trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu giai đoạn 2017 - 2019; điều tra tình
hình dịch hại trong canh tác, bảo quản và bước đầu nghiên cứu biện pháp bảo quản
hành tím theo hướng an toàn tại thị xã Vĩnh Châu; mô hình trình diễn việc sử dụng
phân bón hữu cơ trong canh tác hành tím tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu; thử
nghiệm chế phẩm sinh học NTV - No1, NTV-No2, bổ sung dinh
dưỡng và phòng trừ sâu bệnh trên cây hành tím tại Phường 2, thị xã Vĩnh Châu. Ngoài
ra, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề về cách thức nhận biết, biện pháp phòng trừ sâu bệnh; hiệu quả của việc sử dụng
phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong
sản xuất, bảo quản, tồn trữ hành tím; chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ;
khai thác các chứng nhận bảo hộ sở hữu công nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm
đối với hành tím Vĩnh Châu;... Qua
đó, giúp người nông dân, cơ quan chức năng,
doanh nghiệp nhìn nhận tổng thể về hoạt động sản xuất, kinh doanh hành tím để có giải pháp tổ chức sản xuất, tiêu thụ hành tím phù hợp, đáp ứng yêu
cầu của thị trường, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người
dân, phát triển bền vững nghề sản xuất hành tím của thị xã Vĩnh Châu cũng như tỉnh
Sóc Trăng trong thời gian tới.
Theo bà Triệu
Thị Ngọc Diễm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng: Hành tím
được xem là loại rau màu truyền thống lâu đời, là một trong những sản phẩm đặc
sản, chủ lực, có giá trị kinh tế của địa phương; hoạt động sản xuất hành tím
tác động trực tiếp, đóng góp tích cực trong cơ cấu kinh tế; mang lại nguồn thu
nhập chính cho nông dân ở thị xã Vĩnh Châu. Trong công tác triển khai Đề án tái cơ cấu
nông nghiệp theo
hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ở địa phương, việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất
nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản
phẩm là một trong những giải pháp quan trọng đã được thị xã Vĩnh Châu quan tâm triển
khai và đạt được kết quả nhất định. Thời gian qua, thị xã Vĩnh Châu đã tăng
cường phối hợp với các viện, trường, cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, chuyển
giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất hành tím, xây dựng được
nhiều mô hình sản xuất hành tím đạt hiệu quả tích cực như: Mô hình sản xuất
hành tím an toàn; sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobaGAP, VietGAP; sản xuất
hành tím hữu cơ, an toàn sinh học; sản xuất hành tím trong mùa mưa; đa dạng hóa
các sản phẩm chế biến từ hành tím, đảm bảo khả năng tiêu thụ; ứng dụng công
nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất hành tím;... Qua đó, giúp nông dân ứng
dụng hiệu quả các quy trình sản xuất, bảo quản hành tím, từng bước làm chủ công
nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc triển khai các mô hình nêu trên là cơ sở
để hình thành vùng sản xuất hành tím an toàn sinh học, sử dụng phân hữu cơ, chế
phẩm vi sinh; diện tích, số hộ tham gia sản xuất gia tăng hàng năm: Năm 2017 là
10,2 ha/23 hộ; năm 2018 - 2019 là 30 ha/84 hộ; năm 2019 -2020 là 76 ha/220 hộ.
Bên cạnh đó, hành tím Vĩnh Châu đã được
Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn
hiệu thập thể theo Quyết định số 27199/QĐ-SHTT ngày 29/12/2009, bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh
Sóc Trăng theo Quyết định số 2665/QĐ-SHTT ngày 28/5/2019; UBND tỉnh đã chứng nhận sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) năm 2019 là điều kiện để phát
huy thế mạnh sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp
phần nâng cao giá trị của hành tím Vĩnh Châu cũng như phát triển nông nghiệp
của địa phương trong thời gian tới.
Lâm Văn Tùng